

Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam
AARHUS - ĐAN MẠCH
Thành kính chào đón quý cha, quý tu sĩ,
và quý ông bà cùng anh chị em.

Mẹ là người diễm phúc, vì Mẹ đã tin (Lc 1,45).

GẶP GỠ THẦY GIÊ-SU
(Thầy Pr. Lê Hoàng Nam SJ.)
"Gặp được Thầy Giêsu là niềm mơ ước của bất kỳ người Kitô hữu nào trong
hành trình thiêng liêng. Nhưng làm sao để gặp được Người?
Dựa trên gia sản quý báu là chính Kinh Thánh, các bài suy niệm trong tập sách nhỏ này được viết nên như một hành trình dẫn người đọc đi vào sâu trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và đi đến đỉnh cao là một cuộc gặp gỡ cá vị với Giêsu – Ngôi Hai Thiên Chúa làm người".
Xin cám ơn Thầy Nam đã cho phép chia sẻ với mọi người tập sách hữu ích này.
SÁCH GƯƠNG PHÚC


Tu sĩ Thomas Kempis, gốc nước Ðức, thuộc dòng thánh Augustinô, là người viết ra tác phẩm: "Gương Chúa Giêsu". Người ta nói đây là sách tu đức được đọc nhiều nhất sau Phúc Âm.
Thánh Ignatiô, Ðấng Sáng Lập dòng Tên đã khuyên một môn sinh như sau: Mỗi ngày con hãy đọc một chương sách "Gương Chúa Giêsu", vì chính cha đây cũng có kinh nghiệm là hễ mở trang sách nào, dù là một cách tình cờ, cha cũng thấy đáp ứng nhu cầu hiện tại của tâm hồn cha. Tu sĩ Thomas Kempis đã viết những dòng sau đây:
Ít người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu, nhưng lại có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Người. Nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu nhưng ít kẻ muốn vác Thánh Giá với Người. Nhiều kẻ ao ước được những an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người. Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người. Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu một sự gì khó với Người. Nhiều kẻ theo Chúa Giêsu cho đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ theo Ngài đến uống chén đắng tử nạn. Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Ngài, nhưng ít kẻ muốn chịu sỉ nhục với Người. Nhiều kẻ yêu mến Chúa Giêsu khi không có gian truân, nhưng ít kẻ tung hô ca ngợi Ngài khi Ngài ban ơn an ủi. Nhưng nếu Chúa Giêsu ẩn mình hoặc bỏ quên họ trong giây lát, lập tức họ sẽ phàn nàn than trách hoặc quá sức thất vọng. Cả cuộc đời Chúa Giêsu là Thánh Giá và tử đạo. Còn con, con muốn an nghỉ và vui chơi. Con lầm lạc, nếu con tìm sự khác hơn là thử thách.
Đôi lời tâm huyết gởi bạn đọc
-
Bạn muốn được nên thân tình với Thiên Chúa, mời bạn đọc Quyển I sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU. Đó là hành trang cho bạn lên đường.
-
Bạn muốn gặp Thiên Chúa, mời bạn đọc Quyển II sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU, để khi được gặp Thiên Chúa bạn biết tâm sự với Ngài.
-
Bạn muốn được Thiên Chúa tiếp thu làm bạn tâm giao, mời bạn đọc Quyển III sách GƯƠNG CHÚA GIÊSU, để biết nên làm gì, phải làm gì để bảo vệ tình bạn với Thiên Chúa.
-
Bạn muốn nhờ Chúa Giêsu Kitô, với Chúa Giêsu, sống đời con thảo của Thiên Chúa, mời bạn đọc GƯƠNG CHÚA GIÊSU Quyển IV.
Nhưng xin lưu ý bạn : Con đường nên thánh không có bước nhảy vọt, mà phải là tiệm tiến. Phải vững bước thứ nhất, rồi mới tiến bước thứ hai, phải nắm chắc bí quyết rồi mới tiến bước thứ ba. Thuần thục giai đoạn ba, không cần mời, Chúa Giêsu sẽ đến với bạn, không chỉ dắt tay bạn mà còn cho bạn nhờ Ngài, với Ngài tôn vinh Thiên Chúa Cha.
GƯƠNG CHÚA GIÊSU là một tác phẩm đã có gần 500 năm nay mà vẫn hiện đại, vì được xây dựng trên nền tảng Phúc Âm.
Giờ đây xin mời bạn cùng đọc sách Gương Phúc, Quyển Một
Quyển I: Những Nguyên Tắc Hướng Dẫn Đời Sống Tâm Linh.
-
I Theo Gương Chúa Và Khinh Thường Thế Tục
-
II Tự Khiêm
-
III Giáo Huấn Của Chân Lý
-
IV Hành Động Cho Khôn
-
V Đọc Thánh Kinh
-
VI Tình Dục
-
VII Tránh Phù Phiếm Và Kiêu Ngạo
-
VIII Đừng Suồng Sã
-
IX Vâng Lời Và Tùng Phục
-
X Lời Vô Ích
-
XI Bình An Và Tiến Bộ
-
XII Lợi Ích Của Đau Khổ
-
XIII Chống Cám Dỗ
-
XIV Xét Đoán
-
XV Bác Ái
-
XVI Một Nhịn Chín Lành
-
XVII Đời Sống Tu Trì
-
XVIII Gương Thánh Hiền
-
XIX Công Việc Một Tu Sĩ
-
XX Tìm Thanh Vắng Và Thầm Lặng
-
XXI Lòng Thống Hối
-
XXII Những Đau Khổ Ở Đời
-
XXIII Sự Chết
-
XXIV Ngày Công Phán
-
XXV Để Trọn Đời Ta
I. Theo Gương Chúa Và Khinh Thường Thế Tục
Con đường sáng
Lời Chúa Giêsu : "Ai theo Ta, người ấy không đi trong u tối" (Gioan 8,12).
Lời ấy, Chúa dùng để khuyên nhủ ta bắt chước tính hạnh và hành vi Chúa, nếu ta muốn được sáng suốt và thoát khỏi mọi tối tăm nội tâm.
Bài học chính của ta sẽ là suy gẫm về tính hạnh Chúa Kitô.
Tinh thần Chúa
Học thuyết Kitô trổi vượt trên học thuyết các thánh. Ai thấu nhập được tinh thần Chúa Giêsu, người ấy gặp được kho lương thực tiềm tàng.
Sở dĩ nhiều người nghe giảng Phúc Âm luôn mà vẫn không xúc động, là vì họ không có tinh thần Chúa Kitô.
Muốn hiểu tỏ và nếm thử thi vị của Lời Chúa, cần phải tập sống đời sống của Chúa.
Sự thông giỏi thế tục
Lý luận cao kỳ về Chúa Ba Ngôi có ích chi, một khi lòng đầy kiêu hãnh. Vì đó bạn sẽ phụ lòng chính Chúa Ba Ngôi.
Không phải hễ lý luận cao mà nên được người lành người thánh, trái lại chỉ có đời sống đạo đức mới là bạn thiết của Chúa !
Thà biết sám hối còn hơn biết giải thích nghĩa sám hối là gì.
Thuộc lòng toàn pho Thánh Kinh và danh ngôn các triết gia, mà không có đức ái và ân tình với Chúa : tất cả chỉ là vô ích.
"Phù hoa nối tiếp phù hoa,
Của đời hết thảy chỉ là phù hoa" (Giảng viên 1, 2)
trừ kính ái và phụng thờ một Chúa.
Khôn ngoan nhất là người biết từ cái đẹp trần gian vươn lên Nước Trời.
Của đời, của chóng qua
Không gì phù phiếm bằng tích góp cho nhiều của mau qua và để hết lòng trí vào đó !
Không gì phù phiếm bằng ham hố danh vọng và ưa tìm ăn trên ngồi trước !
Không gì phù phiếm bằng bê tha nhục dục và đam mê những thứ làm cho đời mai sau của mình bị nghiêm phạt !
Không gì phù phiếm bằng thích sống lâu mà không cố gắng sống cho thánh thiện !
Không gì phù phiếm bằng chỉ để tâm đến của hiện tại mà không màng gì của tương lai !
Không gì phù phiếm bằng chỉ mải miết đuổi theo của mau qua mà không màng đến điều sẽ làm cho mình được hạnh phúc muôn đời !
Của vô hình
Hãy luôn tâm niệm lời này của Đấng Khôn ngoan : "Mắt không bao giờ no, tai không bao giờ thỏa"(Giảng viên 1,8)
Bạn, bạn hãy cố gắng giữ lòng khỏi quyến luyến của hữu hình và hãy chuyên lo tìm của vô hình.
Ai sống theo nhục dục, người ấy làm nhọ lương tâm mình và mất ơn Chúa.
SUY NIỆM
Việc tối cần phải lo là phần rỗi... nhưng không có phần rỗi ngoài Chúa Giêsu.
Tin tưởng ở lời Chúa, tùng phục huấn lệnh Chúa, bắt chước các nhân đức Chúa : đó là cái sống cao quý nhất.
Bê tha của cải, ham mê chức quyền mà lãng quên phần rỗi, thiết tưởng không còn thứ phù phiếm nào nguy hại bằng !
Chúa Giêsu nói : "Ích gì cho con, nếu con chỉ tìm biết những mầu nhiệm lớn lao về bản tính Chúa mà không lợi dụng được công nghiệp và ân nghĩa Chúa, không biết cái sống của Chúa và thực hành các nhân đức Chúa !
Ích gì cho con, nếu con chỉ nhắm mắt đuổi theo cái phù phiếm mà không chuyên lo phần rỗi con !
Xin giúp con nhận định rõ và cương quyết sống theo gương lành Chúa.
II Tự Khiêm
Tính ham biết
Thường tình ai cũng muốn biết nhiều, nhưng biết mà không có lòng kính sợ Chúa : cái biết đó có ăn thua gì !
Một người quê mùa nghèo khó mà biết phụng thờ Chúa, còn giá trị hơn ngàn lần một triết gia kiêu kỳ, chỉ mải miết nghiên cứu các tầng trời vận chuyển mà không màng chi phần rỗi của mình.
Người biết rõ mình sẽ tự khinh và không màng tiếng đời ca tụng.
Thông kinh vạn quyển mà không có đức Ái, thì trước mặt Chúa, Đấng sẽ đoán xét mọi hành vi của ta, nào có ích gì.
Đừng tò mò
Con hãy tiết chế tính ham biết thái quá ! Nó chỉ làm cho con chia trí và lầm lạc.
Người biết, tự nhiên muốn được người khác khâm phục và ca tụng là thông giỏi, nhưng có những cái biết không có ích bao nhiêu hay chẳng ích gì cho phần rỗi.
Nếu thế, chỉ cặm cụi với những thứ khác mà không quan tâm đến điều giúp mình lo phần rỗi, còn gì điên rồ bằng ?
Không phải chỉ cốt nói cho nhiều mà linh hồn no thỏa, trái lại chỉ có đời sống đạo hạnh mới làm được cho lòng yên tĩnh; chỉ có lương tâm trong sạch mới làm được cho ta yên vui trước mặt Chúa.
Đừng nghĩ mình hơn
Biết nhiều mà không lợi dụng được cái biết ấy để sống thánh thiện càng bị đoán xét nặng.
Tài ba lỗi lạc có thừa, nhưng lấy đó làm cao làm kiêu : thì càng biết nhiều càng đáng lo ngại nhiều.
Con tưởng con biết nhiều ư ? Con nên nhớ, những điều con biết chẳng thấm vào đâu với những gì con chưa biết.
Thánh Phaolô bảo : "Bạn đừng có tự cao tự đại" (Rom. 11, 20), một hãy thú nhận cái dốt của mình đi.
Con dựa vào đâu mà dám tưởng mình hơn người, trong khi còn biết bao người thông thạo hơn và am tường luật Chúa hơn !
Con muốn biết những gì giúp ích cho con hơn ư ! Con hãy mong được đời lơ đi và không đếm xỉa đến.
Tự giác
Khoa học cao quý nhất mà cũng ích lợi nhất, chính là khoa tự giác và tự khinh.
Không nghĩ tốt cho mình và biết kính trọng người khác : đó là khôn ngoan và trọn hảo nhất.
Gặp người phạm tội công khai, dầu là một tội đại ác, con cũng đừng vội căn cứ vào đó mà tưởng mình tốt hơn, vì con không thể biết chắc con sẽ đứng vững trong điều thiện được đến bao giờ.
Đành rằng ai cũng yếu đuối, nhưng nên nghĩ rằng không ai yếu đuối hơn ta.
SUY NIỆM
Lời Thánh Kinh : "Những tư tưởng của người đời chỉ là rất phù phiếm và hoàn toàn vô ích, nếu nó không giúp ta nhìn nhận và kính mến Chúa, quên và coi khinh chính mình".
Lòng tin đơn sơ và linh động là chỉ biết tin, tin không điều kiện, không do dự. Tin tất cả những điều Chúa dạy tin và thực hành tất cả những điều Chúa dạy làm : lòng tin đó cao quý hơn tất cả khoa học đạo cũng như đời. Thiếu lòng tin đó, khoa học chỉ làm cho trí thêm kiêu, hồn thêm lạnh.
Lạy Chúa Cứu Chuộc khả ái ! Xin chữa con khỏi bệnh ham biết thái quá và sự biếng nhác những việc phải làm để được Ơn Cứu độ. Con có thể thành tâm học biết mà không ca tụng và kính mến Chúa sao được ? Con có thể tự giác mà không tự khinh tự bỉ thế nào được !
Lạy Chúa, sống thấp hèn không được người biết tới, sống ẩn dật với Chúa trong Thiên Chúa Cha : sống như vậy cao quý nhường bao ! Xin ban cho con và mọi người biết tôn trọng và thực hành nếp sống ấy.
III Giáo Huấn Của Chân Lý
Bài học chân lý
Phúc lớn cho người được Chân lý đích thân dạy vẽ, không phải bằng hình bóng, bằng lời lẽ mau qua, nhưng bằng chính bản tính mình.
Lý trí và giác quan ít nhìn sâu được vào sự vật, nên thường chúng chỉ lừa ta.
Tranh luận cao kiến về những thắc mắc và bí ẩn có ích chi ! Ngày công phán, ta có phải đoán xét vì đã không biết những cái đó đâu ?
Khinh thường những điều hữu ích và cần thiết để chỉ theo đuổi những điều có hại : Như thế thiết tưởng không còn có cái dại nào bằng !
Rõ thực có mắt mà không trông thấy là thế !
Tiếng Thầy
Ích gì những cuộc tranh luận về giống, về loại ?
Ai được Ngôi Lời hằng sống hướng dẫn người ấy thoát ly được ngàn ý rởm.
Tất cả mọi cái do Ngôi Lời mà có. Hết thảy tạo vật chứng minh về một Ngôi Lời : Mà Ngôi Lời chính là"Nguyên ủy nói với lòng ta" (Gioan. 3, 25).
Không có Ngôi Lời, ai là người hiểu biết tỏ được sự vật, phán đoán đúng được căn tính của chúng.
Được chỉ một Chúa là được tất cả. Ai quy hướng tất cả vào một mình Chúa và nhìn nhận mọi vật trong Chúa : người ấy sẽ được vững dạ và yên lòng.
Ôi ! Chúa chân thật ! Xin làm cho con hợp nhất với Chúa trong một tình yêu bất diệt.
Con đọc đã mỏi, con nghe đã nhàm, chỉ trong Chúa mới có tất cả mọi sự con ao ước khát mong.
Trước nhan Chúa, tất cả các nhà bác học, tất cả các tạo vật hãy im đi để một mình Chúa nói với lòng con.
Vinh danh Chúa
Ai càng hồi tâm, càng thoát ly được sự vật bên ngoài, người ấy càng hiểu được nhiều, càng thấu đáo được những vấn đề sâu nhiệm mà không phải vất vả gì, vì chính Chúa sẽ ban thêm trí hiểu cho họ.
Một tâm hồn trong sạch đơn sơ và kiên nhẫn, dù giữa trăm công nghìn việc, họ cũng không sao lãng, vì việc gì họ cũng làm vì danh Chúa, và họ luôn luôn cố gắng đề phòng những đòi hỏi của lòng tự ái.
Còn gì làm bận lòng và ngăn trở con bằng những cảm tình lố lăng của lòng con ?
Người nhân đức và trung thành với Chúa, biết xếp đặt tự bên trong trước khi hoạt động bên ngoài. Nhờ thế mà trong khi hành động, họ không hề bị lôi kéo theo một khuynh hướng xấu, trái lại họ xếp đặt tất cả theo luật lệ của lý trí.
Có chiến đấu nào gay go bằng phải chiến đấu để thắng chính mình ?
Điều đáng ta lưu tâm nhất là chiến đấu với mình, chiến đấu để thắng mình và nhượng bộ điều hay lẽ phải.
Sống đạo đức
Tất cả mọi sự hoàn hảo trên đời đều sót lại một vài khuyết điểm. Tất cả mọi điều ta nhận xét đều chưa hết hẳn được sự hồ đồ.
Khiêm tốn tự biết mình : đó là đường chắc nhất đưa ta đến cùng Chúa hơn tất cả những phát minh kỳ lạ của khoa học.
Nói thế không phải có ý lên án khoa học hay bất cứ một kiến thức nào về sự vật, dầu là một kiến thức tầm thường nhất. Xét bản tính nó và theo chương trình an bài của Thiên Chúa, khoa học lúc nào cũng vẫn tốt, nhưng một lương tâm trong trắng và một đời sống đạo hạnh bao giờ cũng tốt hơn.
Nhưng đa số người đời chỉ chuyên lo học hỏi hơn là sống thánh thiện, vì thế họ đã lầm lớn và không được ích gì, hay có cũng chẳng được mấy.
Chuyên trồng nhân đức
Ôi ! Nếu ai chuyên lo khu trừ thói hư và tu luyện nhân đức, cũng như đừng tranh luận những vấn đề vô ích, thì giữa các dân tộc làm gì còn nhiều tội ác và gương xấu ! Các dòng tu đâu có sa sút !
Ngày công phán, Chúa không hỏi ta đã đọc sách nào mà chỉ hỏi đã làm gì ? Chúa không hỏi có nói lợi khẩu không, mà chỉ hỏi đã sống thánh thiện thế nào ?
Con xem : Những giáo sư, những học giả bình sinh nức tiếng thông thái bây giờ đâu ?
Địa vị của họ xưa, bây giờ người khác đang giữ, nhưng chả biết những người này có nghĩ gì đến họ không ?
Sinh thời xem chừng họ rất được lưu ý, nhưng giờ đây còn ai nhắc đến tên họ nữa đâu ?
Thông thái thật
Ôi ! Vinh dự ở đời sao mau qua thế ? Nếu đời sống họ ăn nhịp được với học lực của họ thì những sách vở, những khoa học của họ tốt biết chừng nào !
Biết bao người chỉ mải miết với những khoa học phù phiếm mà sao lãng việc phụng sự Chúa : Vì chỉ nghĩ đến làm lớn hơn học ở khiêm nhượng, mà họ đã tự tiêu diệt theo với những tư tưởng của họ.
Người lớn thật, là người có một lòng bác ái quảng đại !
Người lớn thật là người tự cho mình thấp bé và coi khinh danh vọng ở đời này.
Người khôn thật, là người coi của đời "như phân thổ để chỉ được một Chúa Giêsu Kitô" (Philipphê. 3, 8)
Sau cùng, người thông thái thật, là người biết tuân theo ý Chúa và từ bỏ ý riêng.
SUY NIỆM
Có hai thứ khoa học : Khoa học Thiên Chúa và khoa học nhân loại nhưng chỉ có một chân lý.
Khoa học Thiên Chúa cũng bất di dịch như Thiên Chúa, còn khoa học nhân loại cũng hay thay đổi như nhân loại.
Khoa học Thiên Chúa là chính ánh sáng của Ngài, của chân lý thuần túy mà Ngôi Lời đã đem xuống ! Ngài ban cho hết thảy nhưng cách riêng cho những ai có tâm hồn khiêm nhượng.
Là con đẻ của nhân loại, khoa học nhân loại chỉ mơn trớn tính tò mò, nuôi tính kiêu hãnh, gieo lầm tưởng và mê hoặc mà không đánh động và sửa đổi được tâm hồn.
Học chân lý không phải để biết cho bằng để thực hành.
Lời hằng sống là lời Chúa nói với lòng hơn là với trí.
Biết nhiều điều cần để được rỗi và thực hành : đó là tất cả khoa học của một người Kitô hữu.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy : Không phải những ai thưa : "Lạy Chúa, Lạy Chúa" mà được vào Thiên đàng, mà chỉ ai làm theo ý Đức Chúa Cha và sống theo Đức Tin mới được rỗi.
Con hối tiếc vì đã biết và nói nhiều về chân lý mà chỉ làm được rất ít để cứu lấy mình.
Xin Chúa ban thêm cho con một tinh thần cao thiêng, một tâm hồn đạo đức và một đời sống ngay lành. Xin cho con lánh xa thế tục và chỉ tìm một Chúa là chân lý tuyệt đối và là hy vọng của con.
IV Hành Động Cho Khôn
Đắn đo
Đừng tin mọi lời người ta nói cũng như mọi điều ta nghĩ. Nhưng phải khôn ngoan, thận trọng đắn đo xem những điều ấy có hợp thánh ý Chúa không ?
Ôi ! Ta yếu hèn quá ! Điều xấu nơi người khác, ta thường dễ tin, dễ nói hơn là điều hay, điều tốt của họ.
Những người hoàn thiện, không bạ ai nói gì cũng tin, vì họ biết con người tự nhiên hướng về điều ác và dễ lỗi lầm trong lời nói.
Cái khôn ngoan của nhân đức
Đừng hành động hấp tấp, cũng đừng cố chấp theo ý riêng : thế mới thực là khôn.
Đừng bạ ai nói cũng tin, đừng tin gì cũng vội nói lại với người khác : thế mới thực là khôn.
Bạn hãy học hỏi những người khôn ngoan và có lương tâm.
Thà học với người khôn ngoan từng trải còn hơn theo ý riêng.
Đời sống thánh thiện làm cho ta khôn, cái khôn của Chúa và cho ta một bài học kinh nghiệm vĩ đại.
Càng khiêm tốn và tùng phục ý Chúa, càng khôn ngoan và bình an trong hành động.
SUY NIỆM
Muốn hành động cho khôn, nên lấy hai điểm này làm mẫu mực :
Đừng bạ ai nói cũng tin, nghĩ gì cũng cho là phải, trái lại phải dẹp lòng tự ái và tình dục mà chỉ sẵn sàng chờ đợi thần ý Chúa.
Đừng cậy tài giỏi, thông thạo, nhưng phải đơn sơ và thành thực đón nhận ý kiến của người khác.
Những vị cao niên, những người kinh nghiệm chính là những cái mốc vững chắc cho bước đường của ta.
Lạy Chúa ! Chúa đã tự đặt mình làm mẫu gương hành động cho con. Chúa lại dạy con phải "Khôn như con rắn và đơn sơ như bồ câu". Xin Chúa giúp con theo sát gương Chúa và thực hành được như lời Chúa răn dạy.
V Đọc Thánh Kinh.
Bài học khôn
Phải tìm chân lý chứ đừng tìm lợi khẩu trong Thánh Kinh.
Đọc Thánh Kinh, phải đọc với chính tinh thần của tác giả.
Phải tìm lợi ích thiêng liêng hơn là tìm lời lẽ văn hoa chải chuốt.
Ta phải chuộng đọc cả những cuốn đạo đức đơn sơ, cũng như những cuốn cao sâu, mầu nhiệm.
Đừng bận tâm đến thân thế, học lực của tác giả : hãy đọc vì lòng mến chân lý thuần túy.
Cũng không cần tra vấn câu nọ, câu kia của tác giả nào, một hãy để ý xem tác giả đã nói những gì.
Giọng nói của Chúa
"Người đời qua đi, nhưng đức tín trung của Chúa sẽ muôn đời tồn tại" (Ps. C16,2)
Chúa nói với ta bằng nhiều cách khác nhau và bằng những người cũng khác nhau. (Bản dịch của Lamennais)
Tò mò thường rất có hại cho ta trong lúc đọc Thánh Kinh. Nó làm cho ta muốn hiểu thấu và bình luận những cái đáng lý chỉ nên bỏ qua.
Nếu muốn được ích khi đọc Thánh Kinh, bạn hãy đọc cho khiêm tốn, đơn thành và tin tưởng, mà đừng bao giờ đọc để mong được tiếng thông giỏi.
Hãy bàn hỏi những người sống thánh thiện và im lặng nghe họ trả lời. Cũng đừng coi thường câu nói của những người cao niên : không phải vô tình mà họ mở miệng nói ra đâu.
SUY NIỆM
Đọc Thánh Kinh cũng như các sách đạo đức, không bao giờ nên đọc vì tò mò : để tìm lợi khẩu, khoa học, văn chương. Những sách đó không viết vì mục đích ấy.
Muốn lĩnh hội được ý nghĩa những sách đó, phải đọc với tâm tình :
- Khiêm nhượng : vì Chúa Thánh Thần chỉ dạy những bí nhiệm cho ai khiêm nhường.
- Đơn sơ : ví ánh sáng Chúa soi bao giờ cũng tự đủ cho mỗi người.
- Tin tưởng : Dầu ta không hiểu thấu, Lời Chúa bao giờ cũng đáng kính phục.
Lạy Cha ! Con đội ơn Cha vì đã giấu những điều đó với người khôn ngoan, thông thái mà chỉ tỏ ra cho trẻ nhỏ và người đơn sơ khiêm nhượng. Xin Chúa dạy con biết sống thánh thiện theo gương Chúa.